Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phụ trách toàn bộ công việc của đất nước, của Đảng, trong đó, với sự phát triển của đất nước, lý luận là yếu tố rất quan trọng. Bởi vì, công tác lý luận của Đảng nhằm hoạch định đường lối chính sách. Các chủ trương của Đảng phải có tầm vóc, đón bắt được những xu hướng và có cách thức hóa giải được những thách thức khó khăn. Do vậy, người đứng đầu Đảng có tố chất lý luận là “hồng phúc” của Đảng.
Trao đổi với PV VOV, GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN (VOV) cho biết, khi giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhà lý luận và đã để lại một tài sản vô giá là những tác phẩm, những nghiên cứu thấu đáo. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư xuất bản hơn 40 cuốn sách về lý luận ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội.
PV: Tổng Bí thư không chỉ là một nhà hoạt động thực tiễn mà còn là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận từ rất sớm, từ khi làm việc ở Tạp chí Cộng sản. Từ vị trí một biên tập viên ở Tạp chí cộng sản đi lên Phó Ban Xây dựng Đảng, rồi Trưởng Ban Xây dựng Đảng, ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập và Tổng Biên tập… Đây là quá trình trưởng thành của đồng chí Nguyễn Phú Trọng để tiếp tục trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Đây là cả hành trình tích lũy kiến thức về mặt lý luận.
Đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư, những vấn đề lý luận quan trọng nhất của Đảng và những Nghị quyết của Đảng đều có sự đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí đã lồng ghép công việc của một nhà lãnh đạo với công tác lý luận. Cụ thể, như lĩnh vực ngoại giao, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra chiến lược “ngoại giao cây tre” khiến cả thế giới ngạc nhiên. Khi một nước nhỏ bé như Việt Nam nhưng lại có mối quan hệ với các cường quốc lớn nhất trên thế giới. Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga đã tới thăm Việt Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều cường quốc có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam… Đây là câu chuyện hiếm có của cả thế giới.
Trong bài viết của tôi về đồng chí Nguyễn Phú trọng, tôi đã nhấn mạnh rằng, đồng chí không chỉ là một nhà lý luận mà còn đưa lý luận của mình vào trong Nghị quyết. Với các định hướng lý luận của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng như người bắt nhịp từng bước đi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Những bước đi không vội vã, không hấp tấp nhưng cũng không chậm trễ, không để mất thời cơ.
Nhiều ý kiến đã ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc, đã thực hiện công tác lý luận nhuần nhuyễn để đưa vào chính trị, để chính trị mang tầm lý luận, đưa lý luận vào đường lối chính sách.
Các nhà lý luận sẽ đồng ý với tôi rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bắt nhịp cho các bước đi đổi mới và cũng là người góp phần kiến tạo cơ đồ của đất nước. Đồng chí giống như một kiến trúc sư có tầm bao quát về cơ đồ đất nước.
PV: Thưa ông, trong di sản lý luận Tổng Bí thư để lại, nổi bật là những vấn đề gì?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Tôi đã có thời gian làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hơn 20 năm, do vậy tôi hiểu rằng những phát ngôn của đồng chí đều mang tầm lý luận sâu sắc. Tổng Bí thư đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và điều này đã trở thành lời của Đảng, được đưa vào văn kiện của Đảng.
Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng, tố chất lý luận và tố chất của một nhà lãnh đạo đan xen, góp phần vào thành công lớn của Đảng trong những năm qua.
Trong công tác lý luận, vấn đề nào cũng quan trọng. Nhưng quan trọng nhất được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến rất nhiều là công tác xây dựng Đảng. Điều đầu tiên của công tác xây dựng Đảng, giống như Bác Hồ từng nói, đó là vấn đề đảng viên, vấn đề cán bộ. Đây là cội nguồn để xây dựng Đảng vững mạnh. Với cán bộ, quan trọng nhất là đạo đức, tác phong và phẩm chất, rồi mới đến tài năng. Từ đó, vấn đề đặt ra là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có một bộ phận tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc, khiến cả xã hội và nhân dân bức xúc, Tổng Bí thư đã đi thẳng vào giải quyết vấn đề này. Từ đó mới có câu chuyện “đốt lò”. Tổng Bí thư đã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xử lý vấn đề một cách nghiêm túc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “mắc đến đâu thì giáo dục xử lý đến đó”… nhưng rất nhân văn. Ngay cả những trường hợp đã thi hành kỷ luật, đã bị xử lý đều đã thấy Đảng ta rất nhân văn, Tổng Bí thư rất nhân văn.
Công cuộc “đốt lò” đã làm cho Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Nội bộ của Đảng ngày càng đoàn kết và sức mạnh chiến đấu của Đảng được tăng lên.
PV: Tổng Bí thư cũng để lại một hệ thống lý luận về CNXH, về nhà nước pháp quyền, đối ngoại, quốc phòng, đại đoàn kết, văn hóa... Hệ thống lý luận đó có giá trị như thế nào cho sự nghiệp cách mạng của Đảng?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Trong sự nghiệp cách mạng có rất nhiều lĩnh vực, trong đó, xây dựng đất nước phải là kinh tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất nổi tiếng trong chuyến thăm Cuba về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết trong đổi mới là đổi mới tư duy, trong tư duy trước hết là đổi mới kinh tế. Từ đó, đồng chí dẫn dắt về kinh tế, cùng với đó là những vấn đề về văn hóa, xã hội…
Nếu muốn cả đất nước trở thành một thể thống nhất, có sức mạnh tổng hợp, thì phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong thời kỳ phụ trách Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều sáng kiến và cách thức tổ chức hoạt động của Quốc hội. Không khí từ nghị trường Quốc hội đã hòa với không khí đời sống xã hội, với những phiên chất vấn trực tiếp, phát thanh và truyền hình trực tiếp…
Bên cạnh đó, về văn hóa xã hội, Tổng Bí thư cũng rất quyết liệt để đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ thành quốc sách hàng đầu, với sự lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề này rất sâu sắc. Đặc biệt, trong thời kỳ làm Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phụ trách các trường đại học, vấn đề phát triển giáo dục, do vậy, khi làm Tổng Bí thư, đồng chí có nhiều kinh nghiệm để đưa vào các bài phát biểu về văn hóa, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, mang tầm chỉ đạo sâu sắc và có định hướng sau này.
Với tư cách rất quan trọng nữa là Bí thư Quân ủy T.Ư, đồng chí đã có rất nhiều ý kiến chỉ đạo trong công tác bảo vệ đất nước, quốc phòng an ninh. Từ đó, sau này đã xây dựng được chiến lược bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, chiến lược về quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới, bảo vệ không gian mạng. Tổng Bí thư đã đưa ra những khuyến nghị, xử lý, xét duyệt, chỉnh sửa và hoàn thiện các chiến lược này.
Để xây dựng đất nước, phải có đối nội, đối ngoại, phải hội nhập quốc tế, không có hội nhập không thể phát triển được, học tập bè bạn, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại… Tổng Bí thư là người đưa ngoại giao Việt Nam có những bước phát triển vô cùng vững chắc, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, làm bạn với tất cả các nước để đưa đất nước tiến lên.
PV: Hệ thống lý luận của Tổng Bí thư có giá trị “soi đường” thế nào cho sự nghiệp cách mạng của Đảng?
GS.TS Vũ Văn Hiền: Với các nhà nghiên cứu, vấn đề lý luận với thực tiễn đều được đặt ra. Từ thực tiễn liên hệ với lý luận và từ lý luận soi sáng thực tiễn. Với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, có một điều đặc biệt là vô cùng cẩn thận trong nghiên cứu thực tiễn, trên cơ sở nắm bắt lý luận thì có thực tiễn soi đường và khi phân tích thực tiễn sẽ nâng tầm lý luận. Do vậy, Tổng Bí thư luôn dặn dò vấn đề quan trọng là tổng kết thực tiễn, kho của lý luận chính là từ tổng kết thực tiễn để rút ra kết luận cái này chưa được, cái này đúng hay sai…
Như vậy, lý luận đổi mới của Đảng ta luôn không ngừng phát triển. Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về công cuộc đổi mới cũng là kho tàng lý luận của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không bao giờ đưa cái tôi của mình vào lý luận. Tất cả các di sản, những nghiên cứu đồng chí để lại là một kho tàng lý luận quý báu cho Đảng và đất nước trong thời gian tới. Đồng chí là một nhà lý luận kiệt xuất và đã có ý kiến cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ngọn cờ lý luận của Đảng ta trong thời kỳ hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!.